Đặc điểm Chính_quyền_địa_phương_ở_Nhật_Bản

Hệ thống chính quyền địa phương của Nhật Bản sau chiến tranh chịu ảnh hưởng rất nhiều từ tinh thần tự chủ kiểu Mỹ- trái với hệ thống mang tính tập quyền trung ương theo mô hình kiểu Phổ thời kỳ trước chiến tranh. Hạt là địa phương cấp cơ sở ở Nhật Bản, chịu trách nhiệm chính trong việc cung ứng các hàng hóa công cộng thiết yếu đối với đời sống của nhân dân như điện nước, giáo dục cơ sở, công trình dân sinh phúc lợi, v.v... Cuối thập niên 1990, Nhật Bản có trên ba ngàn hạt. Tỉnh là địa phương cấp trung gian duy nhất giữa chính quyền trung ương với chính quyền cơ sở, chịu trách nhiệm chuyển tải các chính sách của trung ương về địa phương, thực hiện trách nhiệm chi đối với các kế hoạch phát triển toàn vùng và cung ứng các hàng hoá công cộng quan trọng mà quy mô tác động của chúng vượt ra khỏi phạm vi một hạt như đường giao thông, bảo vệ môi trường, v.v… Nhật Bản có 47 tỉnh.

Nếu như trách nhiệm phân công cho chính quyền các tỉnh giống nhau, thì trách nhiệm phân công cho chính quyền các hạt lại không như nhau tùy theo dân số của mỗi hạt. Hạt càng đông dân thì chính quyền hạt càng được phân công nhiều trách nhiệm. Các hạt có quy mô dân số rất lớn có thể được trung ương quyết định là các thành phố chỉ định quốc gia và được phân công rất nhiều trách nhiệm, có thể tương đương với trách nhiệm của chính quyền tỉnh mà hạt đó nằm trong. Các thành phố trung tâm vùng (中核市) cũng được phân công nhiều trách nhiệm. Các trách nhiệm được quy định rất rõ ràng bởi pháp luật.